Search This Blog

Wednesday, August 25, 2010

Khám phá mới di truyền học về nguồn gốc con người ở Ðông Á


Trong lịch sử của nhiều dân tộc, thỉnh thoảng có những khám phá qua các dữ kiện mới, nhất là ở các thời đại sơ khai mà sử liệu không có hay ghi lại rất ít. Nhiều khi các sự nghiên cứu và hiểu biết với tư liệu và sự kiện mới đã cho thấy một số tư tưởng truyền thống trước đây về nguồn gốc hay văn minh của một dân tộc có nhiều thiếu sót và thậm chí sai lạc. Ðâu ai biết ảnh hưởng rộng lớn của đạo Phật, cũng như của hoàng đế Asokha ở Ấn Ðộ cho đến khi Princep ở thế kỷ 19 đã giải mã các bia ký cổ đại phát hiện ở các vùng xa xôi biên cương từ Bắc đến Nam.
Sự tiến bước của nhiều ngành trong khoa học cũng đã được sử dụng (như dùng Carbon 14 để định tuổi, ...) và đóng góp cho sự tìm hiểu và phát hiện mới trong lịch sử, mở rộng thêm kiến thức về sự phát triển hay tiến hóa văn hoá, văn minh của một dân tộc.

OPPENHEIMER VÀ CHU THỰC SỰ NÓI GÌ?


Người Việt chúng ta có một truyền thống quí báu là vô cùng tôn kính tổ tiên. Các truyền thuyết Rồng Tiên, mười tám đời vua Hùng, Thánh Gióng, Sơn Tinh - Thủy Tinh, cùng những trang sử oanh liệt về Bạch Đằng, Chương Dương, Chi Lăng, Đống Đa, Điện Biên Phủ… có lẽ đã thấm vào từng tế bào của mỗi con dân đất Việt. Vì thế chúng ta rất nhạy cảm với những thông tin về nguồn gốc con người và văn hóa Việt. Có lẽ đó là lý do Oppenheimer và Chu từng được cộng đồng người Việt, cả trong và ngoài nước, chào đón và thảo luận rất nồng nhiệt. Vậy Oppenheimer và Chu đã thực sự nói gì?

Nhân đọc “Eden in the East”: đặt lại vấn đề nguồn gốc dân tộc

Thời kỳ băng hà cổ ở Nam Á

Hỏi một người Việt bình thường về nguồn gốc dân tộc Việt Nam, câu trả lời mà người ta thường nghe là tổ tiên của chúng ta xuất phát từ Trung Quốc. Ngay cả người có kiến thức rộng, có quan tâm đến dân tộc và văn hóa Việt cũng có những ý kiến tương tự. Đào Duy Anh, trong Việt Nam Văn hóa Sử cương; và Trần Trọng Kim, trong Việt Nam sử lược, cũng từng cho rằng người Việt có nguồn gốc hoặc từ Trung Quốc [1] hay từ Tây Tạng [2], dù họ có chút dè dặt và thận trọng trong phát biểu. Gần đây, một người làm chính trị nhưng có quan tâm đến văn hóa Việt Nam, Nguyễn Gia Kiểng, trong Tổ quốc ăn năn (TQĂN), cũng cho rằng nước Văn Lang xưa kia là do người Trung Quốc sáng lập [3] ra.
Có lẽ cái quan điểm dân tộc Việt có nguồn gốc từ Trung Quốc đã ăn sâu vào tâm trí của chúng ta, nên văn minh Việt Nam cũng được nghiễm nhiên suy luận là bắt nguồn từ văn minh Trung Quốc. Quan điểm này phù hợp với sách vở của Trung Quốc. Chẳng hạn như trong Hậu Hán thư, các sử gia của Trung Quốc, với một giọng văn cực kỳ trịch thượng và kỳ thị chủng tộc, viết rằng tổ tiên ta ngày xưa giống như loài “cầm thú”, xã hội thì chẳng có tôn ti trật tự gì cả, phải đợi đến khi hai quan thái thú của họ là Tích Quang và Nhâm Diên dạy cho tổ tiên ta cách ăn mặc và cách trồng lúa. Sau đó các nhà sử học này thản nhiên kết luận: “Miền Lĩnh Nam theo phong hóa Trung Quốc là bắt đầu từ hai thái thú ấy” [4].

Về nguồn gốc dân tộc việt nam và "địa đàng phương đông" của Oppenheimer


Trong báo Thế Kỷ 21 (số tháng 12 năm 2001, nam California, USA) ông Nguyễn văn Tuấn có đặt lại vấn đề nguồn gốc (Tàu) của dân tộc và văn minh Việt Nam sau khi ông đọc cuốn "Địa đàng ở phương Đông" của Stephen Oppenheimer. Với nhiều điểm mới dựa trên sự tổng hợp tài liệu nhiều ngành (khảo cổ học, ngữ học, di truyền học, dân tộc học) và kết quả nghiên cứu của chính Oppenheimer, "Địa đàng ở phương Đông" phát giác sự đóng góp quan trọng của vùng Đông Nam Á trong lịch sử nhân loại. Ngô thế Vinh đã giới thiệu sách này trong bài "Tìm về phương Đông- Địa đàng lại đánh mất" trong Thế Kỷ 21 số tháng tư năm 2000. Việc Nguyễn văn Tuấn (NVT) tóm tắt cuốn sách đồ sộ này (560 trang với kiểu chữ nhỏ) và thêm những dữ kiện mới thông báo rất đáng ca ngợi. Những thuyết mới về nguồn gốc dân tộc khi được thông báo cho cộng đồng người Việt Nam giúp hiểu thêm về cội nguồn tổ tiên, xóa bỏ mặc cảm tự ti (nếu có). Tuy nhiên, do tầm quan trọng của vấn đề, khi sử dụng những số liệu và dữ kiện để chứng minh quan điểm của mình, có lẽ chúng ta cần thận trọng để tránh các bẫy rập tự tôn, duy chủng tộc, duy dân tộc quá khích.