Search This Blog

Tuesday, January 22, 2013

ĐẶC TRƯNG VĂN HÓA, CỘI NGUỒN VĂN HÓA VÀ SỰ THỂ HIỆN CHÚNG TRONG CA DAO NGƯỜI VIỆT



ĐẶC TRƯNG VĂN HÓA, CỘI NGUỒN VĂN HÓA VÀ SỰ THỂ HIỆN CHÚNG TRONG CA DAO NGƯỜI VIỆT
 
                                                                                      PGS. TS. Phan Mậu Cảnh

Cùng với khoa học - công nghệ và giáo dục - đào tạo, các hoạt động văn hoá - văn nghệ có vị trí quan trọng trong việc xây dựng một xã hội phát triển, làm phong phú đời sống tinh thần con người, đưa dân tộc đến sự văn minh…Trong số đó, văn hoá là nền tảng xã hội, là động lực thúc đẩy dân tộc phát triển theo hướng an sinh, bền vững. Văn hoá thể hiện trong mọi lĩnh vực của đời sống. Các phương thức biểu hiện, lưu giữ và truyền đạt văn hoá rất phong phú và đa dạng. Trong số đó, nổi bật và tiêu biểu là phương thức ngôn ngữ biểu đạt văn hoá qua các hình thức sáng tác, trong đó có văn học dân gian.
1. Đặc trưng văn hoá và cội nguồn văn hoá
a) Vấn đề xác định đặc trưng văn hoá
Nếu hiểu văn hoá là những giá trị vật chất và tinh thần, có tính biểu trưng và tồn tại lâu đời do con người tạo ra, thì dân tộc nào cũng có văn hoá, cộng đồng nào cũng có văn hoá. Có những giá trị văn hoá mang tính hằng thể chung cho cả nhân loại, lại có những giá trị văn hoá mang tính đặc thù, chỉ có ở cộng đồng này mà không thấy rõ ở cộng đồng kia và ngược lại.
Những giá trị văn hoá đặc thù ấy chính là đặc trưng văn hoá.
 Khi xác định, đánh giá đặc trưng văn hoá của một cộng đồng hay một dân tộc nào đó, có người đưa ra thang độ cao thấp (chẳng hạn, E.B. Taylor), có người đưa ra tiêu chí khác biệt (F. Boas). Trong đó, ý kiến xác định văn hoá là sự khác biệt dễ tạo sự đồng thuận hơn. Nói chung, sự khác biệt tạo ra đặc trưng; nói riêng ở phạm trù văn hoá, đặc trưng văn hoá của mỗi dân tộc trước hết được minh định dựa trên sự khác biệt giữa văn hoá dân tộc này với văn hoá dân tộc khác. Chẳng hạn, đặc trưng văn hoá Mỹ là coi trọng nguyên tắc, văn hoá ấn Độ là tính khoan dung, văn hoá Trung Hoa là trọng tôn ty, văn hoá Việt Nam là trọng tình nghĩa…
Có thể hiểu, đặc trưng văn hoá là những nét trội về một hay một số mặt nào đó của văn hoá một dân tộc hay một cộng đồng. Những nét trội này làm thành các giá trị văn hoá cơ bản, tiêu biểu, có tính bền vững; cùng với các giá trị khác, chúng làm thành nền văn hoá. Như vậy, đặc trưng văn hoá của một dân tộc chính là những giá trị tiêu biểu về tinh thần và vật chất mà dân tộc đã tích luỹ trong quá trình lịch sử, nó có tính bền vững, có ý nghĩa lâu dài, có giá trị khu biệt. Có như thế, đặc trưng văn hoá mới làm thành bản sắc văn hoá. Tìm hiểu văn hoá dân tộc chính là tìm hiểu cái bản sắc ấy, tức cũng là xác định nét khác biệt.
Hành tinh của chúng ta hiện có hơn 220 quốc gia với hàng trăm dân tộc, có khoảng hơn 6 tỷ người đang sinh sống. Với tất cả sự phong phú và phức tạp ấy, con người - xét về mặt văn hoá- vừa có tính đa dạng trong sự thống nhất, vừa có tính thống nhất trong sự đa dạng. Thế giới hiện có 38 nền văn minh (11; tr.31), có 34 nền văn hoá, trong đó có 17 nền văn hoá có bản sắc (10; tr.12). Vậy, những nền văn hoá nào không có bản sắc, có những nền văn hoá nào bản sắc mờ nhạt? Và có những nền văn hoá mang bản sắc nổi trội? Những câu hỏi này, muốn trả lời cho thật đầy đủ, hẳn là phải có thời gian và nhiều nguồn tư liệu…Nhưng trước mắt ta hãy bằng lòng với kết quả phân loại trên đây. Và trong số các nền văn hoá bản sắc, có tên văn hoá Việt Nam chúng ta. Vậy, bản sắc văn hoá dân tộc có nguồn gốc từ đâu và thể hiện qua những dấu hiệu nào và như thế nào?
b) Về cội nguồn của văn hoá dân tộc
Về nguồn gốc hình thành văn hoá dân tộc, hiện đang còn có nhiều ý kiến khác nhau. Trong đó, nổi bật nhất khi xem xét cội nguồn của văn hoá, liên quan đến việc xác định đặc trưng văn hoá là các ý kiến nói về điều kiện tự nhiên. Con người là một bộ phận của tự nhiên, “là sản phẩm của tự nhiên” (F. Enghen), có khả năng chinh phục tự nhiên, nhưng đồng thời cũng bị chi phối bởi tự nhiên. Một xã hội tồn tại luôn hiện hữu nhiều mối quan hệ: quan hệ nội tại và quan hệ ngoại tại. Nhưng chúng ta không thể phủ nhận một thực tế rằng, ý thức xã hội, những sản phẩm mà con người tạo ra, trong đó có văn hoá, đều có mối liên hệ chặt chẽ với môi trường sinh tồn bao quanh xã hội. Nhà sử học Hà Văn Tấn cho rằng: “Tâm lý dân tộc biểu hiện trong phong cách tư duy, lối ứng xử (hay hành vi), đồng thời biểu hiện ra trong tình cảm dân tộc. Nó bị chế ước bởi các điều kiện tự nhiên, điều kiện xã hội và điều kiện lịch sử”. (14; tr.16). Nhận xét trên làm rõ: tâm lý dân tộc và rộng hơn là văn hoá dân tộc có liên quan mật thiết đến môi trường tự nhiên, và các điều kiện khác. Nhà dân tộc học Từ Chi cũng xác định: “Từng nền văn hoá, xét cho cùng, đều là hậu quả của việc từng cộng đồng để tồn tại, phải thích ứng với thiên nhiên bao quanh nó”. (Từ định nghĩa của văn hoá, tr.55). Nhà sử học Trần Quốc Vượng nêu rõ: “Mối quan hệ của con người với tự nhiên là mối quan hệ nhiều chiều, mối quan hệ thích nghi, không thích nghi và biến đổi (tự nhiên, xã hội và chính mình)… Phải xuất phát từ những điều kiện tự nhiên, rồi sau đó những điều kiện lịch sử để nhìn nhận về cội nguồn và bản sắc văn hoá”. (14; tr.30,33).
Nhà nghiên cứu ngôn ngữ - văn hoá Trần Ngọc Thêm lý giải: “Bởi văn hoá là sản phẩm của con người và tự nhiên nên nguồn gốc sâu xa của mọi sự khác biệt về văn hoá chính là do những khác biệt về điều kiện tự nhiên (địa lý- khí hậu) và xã hội (lịch sử - kinh tế) quy định” (11; tr.36). Với cách nhìn như vậy, tác giả đã lần tìm ra mối quan hệ ảnh hưởng, chi phối giữa các mặt, theo thứ tự: điều kiện tự nhiên, môi trường sinh tồn - nghề nghiệp - đời sống - tâm lý, quan niệm…với văn hoá; trong đó, tự nhiên - môi trường là xuất phát điểm. Hai điều kiện môi trường tự nhiên của phương Tây và phương Đông khác nhau đã làm thành hai nền văn hoá với những đặc trưng khác nhau.
- Phương Tây: khí hậu lạnh, khô - có vùng đồng cỏ - thích hợp chăn nuôi - tạo nên lối sống du cư - có tâm lý coi thường, có tham vọng chinh phục tự nhiên - lối tư duy thiên về phân tích - trọng sức mạnh, trọng tài, trọng võ, trọng nam; có tính nguyên tắc và quân chủ, trọng cá nhân - có tính độc tôn, cứng rắn, hiếu thắng… => Văn hoá trọng động (gốc du mục).
- Phương Đông: khí hậu nóng, ẩm - có nhiều đồng bằng - thích hợp nghề trồng trọt - tạo nên lối sống định cư - có tâm lý tôn trọng, hoà hợp với tự nhiên - lối tư duy thiên về tổng hợp, biện chứng - trọng tình, trọng đức, trọng văn, trọng nữ; có tính dân chủ, trọng cộng đồng - có tính dung hợp, mềm dẻo, hiếu hoà… => Văn hoá trọng tĩnh (gốc nông nghiệp).
Trong sự phân chia trên, điển hình của văn hoá mang đặc trưng gốc nông nghiệp phương Đông là Đông Nam á, tạo thành không gian văn hoá vùng Đông Nam á. Việt Nam là một đất nước có khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều; có nhiều vùng đồng bằng và sông nước, với nghề nghiệp trồng lúa nước là chủ yếu… Như thế, Việt Nam chính là nơi hội tụ ở mức đầy đủ nhất mọi đặc trưng của văn hoá khu vực. Việt Nam là một Đông Nam Á thu nhỏ. Cho nên, từ trong cội nguồn, không gian văn hoá Việt Nam được định hình trên nền không gian văn hoá khu vực Đông Nam á tiền sử (11; tr.60- 61). Đó là nhân tố đầu tiên và cũng là nhân tố làm nên đặc trưng gốc của văn hoá Việt Nam.
Sau này, do nhiều điều kiện khác nhau, Việt Nam chúng ta tiếp xúc với các nước khác- tức cũng là các nền văn hoá khác, như Trung Hoa, ấn Độ (từ rất sớm), sau đó là tiếp xúc với văn hoá phương Tây…- Trong bối cảnh đó, dù sớm hay muộn, dù nhiều hay ít, văn hoá Việt Nam cũng đã có những ảnh hưởng nhất định và đã tiếp nhận các nền văn hoá này ở những mức độ khác nhau, đặc biệt là với văn hoá Trung Hoa. Đây là nhân tố thứ hai, góp phần làm nên đặc trưng văn hoá Việt Nam.
Tuy vậy, với điều kiện môi trường tự nhiên khí hậu nóng ẩm, m ưa nhiều, với một không gian xã hội được định hình rất sớm, nên đặc trưng gốc văn hoá nông nghiệp lúa nước vẫn bảo lưu, làm thành mạch ngầm xuyên suốt chiều dài không gian và thời gian dân tộc Việt; và đây chính là đặc tính trội nhất khi nói về bản sắc văn hoá Việt Nam, về lịch sử dân tộc Việt Nam. Đặc trưng này có tác dụng chi phối các đặc trưng văn hoá khác. Vậy, đặc trưng gốc này thể hiện trong đời sống vật chất và tinh thần của con người Việt Nam, văn hoá Việt Nam như thế nào?
c) Cội nguồn văn hoá và sự biểu thị văn hoá dân tộc
Theo giới nghiên cứu ngoài nước và trong nước (10,11,14), khi tìm hiểu văn hoá Việt, người ta nhận thấy mối liên hệ rất rõ giữa sự phong phúvề điều kiện tự nhiên và tính đa dạng về văn hoá.
Trước hết, đất nước ta ở trong một môi trường tự nhiên nước, sông nước bao quanh con người; yếu tố này chiếm vị trí đặc biệt, chi phối, ảnh hưởng đến nhiều mặt trong cuộc sống xã hội. Chẳng hạn:
 Về nghề nghiệp, nghề trồng lúa nước là chủ đạo với kỹ thuật canh tác:cấy, gieo, vãi, tỉa, trồng; cày, bừa, gặt, đập… và một hệ thống thống thuỷ lợi thể hiện công sức của con người trong ứng biến với môi trường (nước) và nghề nghiệp (trồng lúa nước): đê, kênh, hồ, đập, mương máng…Về ăn ở, sinh hoạt, phong tục tập quán, những đặc tính văn hoá này cũng in đậm dấu ấn của môi trường sông nước. ăn chủ yếu là cơm(sản phẩm từ lúa nước), với các thức ăn là cá, tôm, cua, mực (các loài sinh vật dưới nước). Về ở, con người sinh sống cố kết với nhau, định cư thành làng xóm (cách sống điển hình của cư dân nông nghiệp); các vùng cư trú gần nước: làng chài, làng ven sông, bến chợ, bến sông, với các loại nhà: nhà đất, nhà gỗ, nhà sàn, nhà thuyền; các phương tiện vận chuyển, sinh hoạt cũng gắn liền với nước: thuyền, bè, nốc, ghe, mảng… Những phong tục sinh hoạt cộng đồng cũng liên quan đến nước: hội đua thuyền, bơi chải, kết đèn hoa đăng; tục thờ cá, rắn, thuỷ thần; nghệ thuật dân gian cũng dựa nhiều bối cảnh của nước: rối nước, chèo, tuồng, các điệu hò lý diễn ra trên sông hồ, bến bãi…
 Thứ hai, điều kiện thiên nhiên bao quanh xã hội luôn gắn liền với môi trường thực vật, làm thành đặc trưng văn hoá thuần Việt. Lúa là cây lương thực chủ yếu, nhưng ngoài ra còn có nhiều cây khác được chăm sóc, thuần dưỡng nuôi sống con người, như: ngô, khoai, sắn, đậu, lạc, vừng… Trên mặt đất, bao quanh nơi ở con người là “xanh muôn ngàn cây lá khác nhau”, đặc biệt là tre, hóp, mây, nứa, cam chanh, bưởi, hồng, khế, bầu bí… “Dưới bóng tre xanh, người dân cày Việt Nam trồng nhà, dựng cửa, vỡ ruộng, khai hoang” (Thép Mới). Và cũng dưới bóng tre xanh, nhân dân ta “gìn giữ một nền văn hoá lâu đời”, đó là: tục thờ cây, thờ cúng người chết bằng bát cơm, đôi đũa, quả trứng; trầu cau là vật phẩm không thể thiếu trong cưới hỏi, giao đãi; các lễ hội: đánh đu, cầu kiều, thả diều…đều có hình bóng của thế giới thực vật. Cho nên, có người gọi nền văn minh Việt Nam là “nền văn minh thực vật” (ý của học giả người Pháp P. Gourou, dẫn theo Trần Quốc Vượng, 14; tr.35).
 Điều kiện tự nhiên ấy có nhiều thuận lợi cho con người sinh tồn và phát triển từ những buổi ban đầu sinh cơ lập nghiệp, khai mở thiên nhiên: dễ kiếm cái ăn, cái ở, cái mặc. Nhưng kèm theo đó, nó cũng gây cho cuộc sống con người biết bao tai ương: lụt lội, hạn hán, bão tố, ẩm thấp, dịch bệnh… Con người là sản phẩm của hoàn cảnh, vì thế, môi trường tự nhiên ấy cũng góp phần hình thành tâm lý, tình cảm, nhận thức (lý trí) của con người Việt Nam, với tư cách là chủ thể văn hoá. Điều kiện tự nhiên đã có ảnh hưởng những mặt này như thế nào? 
Có nhiều cách để trả lời câu hỏi này, tuỳ thuộc vào điểm nhìn, nguồn tư liệu…Nhưng trước hết phải thấy rằng, con người dù ở đâu cũng mang trong mình hai đặc trưng: con người là một cá thể tự nhiên, mang đặc trưng nguyên gốc của giống loài; nhưng mặt khác, con người là sản phẩm của hoàn cảnh, chịu sự tác động của hoàn cảnh, bao gồm hoàn cảnh tự nhiên và hoàn cảnh xã hội. Có thể từ một cội nguồn ban đầu, xã hội loài người, với những điều kiện tự nhiên khác nhau, đã phân chia thành những “cành, nhánh” khác nhau như ngày nay. Vì vậy, con người không chỉ là chủ thể của văn hoá, đối tượng của văn hoá mà còn là hiện thân của sự phản chiếu văn hoá, của môi trường sống. Điều này có thể thấy, khi nghiên cứu con người Việt Nam, nhiều công trình (10,11,14) đã thống nhất nhận định những tính trội của người Việt Nam - những đức tính phẩm chất tốt đẹp này đều có liên quan đến những đặc trưng cội nguồn trên. Chẳng hạn:
Con người Việt Nam có tinh thần yêu nhà, yêu làng, yêu nước (bởi lối sống định cư, quần tụ); sống trọng tình nghĩa (vì phải dựa vào nhau, tương trợ, chia sẻ nhau trong cuộc sống và trong lao động theo lối tự cung tự cấp); mềm dẻo trong ứng xử với cộng đồng (là nét đặc thù của cư dân nông nghiệp: lấy dung hợp, hiếu hoà làm trọng), dễ thích nghi với môi trường tự nhiên (chấp nhận mọi sự biến đổi, tuỳ thuộc, thích ứng mọi chi phối của tự nhiên); cần cù trong lao động (lấy cần cù để bù lại những khó khăn, cản trở của điều kiện tự nhiên, của phương thức sản xuất nông nghiệp cổ truyền); giỏi chịu đựng gian khổ (vì điều kiện tự nhiên không phải lúc nào cũng thuận lợi; hạn hán, lụt lội đễ xảy ra, con người dễ gặp bất trắc, hiện nay ta tâm lý “sống chung với lũ”)... Những đánh giá trên đây có thể xem như là những khái quát một phần cơ bản bản sắc con người - văn hoá dân tộc.
Nhưng bên cạnh đó, con người Việt Nam cũng kèm theo những mặt tiêu cực. Đã có nhiều ý kiến đánh giá về phẩm chất cũng như những thói hư tật xấu của người Việt Nam. Trong đó có nhiều mặt nhược điểm lại bắt nguồn từ chính những nguyên nhân đã làm thành ưu điểm, những phẩm chất của con người Việt Nam. Chẳng hạn, nền nông nghiệp lúa nước là đặc trưng văn hoá của ta, nhưng cũng từ đó hình thành tâm lý tiểu nông (sản xuất nhỏ, manh mún, ít có tầm nhìn xa, bảo thủ); lối sống coi trọng tình nghĩa là mặt tốt, nhưng cũng từ đó nảy sinh mặt trái là tính tuỳ tiện, ít trọng lý, ít trọng nguyên tắc, xuề xoà, hoà cả làng… Những điểm này, không chỉ chúng ta, người trong cuộc nhìn thấy (xin tham khảo, chẳng hạn nhận xét của Đào Duy Anh, Việt nam văn hoá sử cương; tr. 24), mà người ngoài nhìn vào cũng thấy khá rõ. Đây là nhận xét của một viện nghiên cứu xã hội Mỹ.
Mười đặc điểm của người Việt:
1- Cần cù trong lao động nhưng dễ thoả mãn nên tâm lí hưởng thụ còn nặng.
2- Thông minh, sáng tạo nhưng có tính đối phó, thiếu tầm tư duy dài hạn, chủ động.
3- Khéo léo nhưng không duy trì đến cùng (ít quan tâm đến sự hoàn thiện cuối cùng của sản phẩm).
4- Vừa thực tế , vừa mơ mộng nhưng không có ý thức nâng lên thành lí luận.
5-  Ham học hỏi và khả năng tiếp thu nhanh nhưng khi học không đến nơi đến chốn nên kiến thức không thành hệ thống, mất căn bản. Ngoài ra, học tập không còn mục tiêu tự thân của nhiều người Việt Nam (nhỏ học vì gia đình, lớn học vì sĩ diện, để kiếm công ăn việc làm, ít vì chí khí đam mê).
6-  Xởi lởi, chiều khách nhưng không bền.
7- Tiết kiệm nhưng nhiều khi hoang phí vì những mục tiêu vô bổ (sĩ diện, khoe khoang, thích hơn người).
8- Có tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, điều đó chỉ xảy ra trong những hoàn cảnh có khó khăn, bần hàn. Trong điều kiện sống tốt hơn, giàu có hơn thì tinh thần này ít khi xuất hiện.
9- Yêu hoà bình và nhẫn nhịn nhưng nhiều khi hiếu thắng vì những lí do tự ái lặt vặt, đánh mất đại cục.
10- Thích tụ tập nhưng lại thiếu tính liên kết để tạo ra sức mạnh (cùng một việc ,một người làm thì tốt, ba người làm thì kém, bảy người làm thì hỏng).
                                                                       (Dẫn theo Phạm Tấn Đắc,7; tr.293)
Có thể nói, những đặc tính tốt xấu này đều có liên quan mật thiết đến đặc trưng gốc đã nói trên: điều kiện tự nhiên đã làm thành hệ giá trị văn hoá vàtính cách - tâm lý con người Việt Nam với những chế định đậm nét của nền văn hoá nông nghiệp lúa nước.
2. Tìm hiểu đặc trưng văn hoá dân tộc qua ca dao Việt Nam.
a) Cơ sở tìm hiểu đặc trưng văn hoá dân tộc qua ca dao.
    Văn hoá thể hiện qua nhiều cách thức, nhiều phương tiện, trong số đó, ngôn ngữ là phương tiện quan trọng thể hiện văn hoá. “Toàn bộ các từ trong ngôn ngữ, đó chính là phương tiện nối kết các hiện tượng bên ngoài với thế giới bên trong của con người… Đặc biệt, bản sắc riêng của mỗi dân tộc luôn luôn được thể hiện qua tiếng mẹ đẻ của họ; ngôn ngữ là nơi bảo lưu tinh thần, văn hóa dân tộc, sức mạnh liên minh giữa các dân tộc- tất cả để lại dấu ấn tài tình trong mỗi âm thanh” (W. Humbold; 1; tr.203). “Ngôn ngữ đã chứa đựng trong mình toàn bộ di sản văn hoá của các thế hệ trước, xác định hành vi của những con người hiện tại, trong một mức độ nào đó, ngôn ngữ còn làm tiền đề cho con người trong tương lai, có nghĩa chính ngôn ngữ sản sinh và sáng tạo ra con người” (M. Kheydegger, dẫn theo 1; tr.203). Vì lẽ đó, ngôn ngữ không chỉ là hiện thân của văn hoá, một thành tố của văn hoá, mà còn là phương tiện truyền đạt văn hoá. “Ngôn ngữ vừa là điều kiện tồn tại, vừa là sản phẩm văn hoá nhân loại, bởi vậy, trong mọi nghiên cứu về ngôn ngữ nhất thiết phải coi chính văn hoá cũng là đối tượng của mình.” (Vinocua,1960). Điều đó cũng có nghĩa là mọi nghiên cứu về văn hoá cũng không thể không nghiên cứu chất liệu ngôn ngữ. Như thế, từ chất liệu ngôn ngữ, nhất là chất liệu làm nên tác phẩm văn học, để đi tìm lịch sử dân tộc, văn hoá dân tộc là hoàn toàn có cơ sở khoa học. Chất liệu đó càng cổ xưa thì chúng ta càng có điều kiện để thấy rõ hơn cội nguồn, nhất là khi tìm về những giá trị văn hoá tinh thần truyền thống. Một trong những nguồn ngữ liệu đó chính là các sáng tác dân gian. Tất cả những gì con người tạo ra đều có tính văn hoá, đều có dấu ấn của ngôn ngữ, vậy giải mã văn hoá có thể căn cứ vào nhiều thông số, nhưng chiếc chìa khoá rất quan trọng, để có thể giải mã văn hoá của dân tộc, đó chính là ngôn ngữ của dân tộc ấy.
Việc tìm hiểu ca dao để góp phần làm rõ những đặc trưng văn hoá dân tộc là có cơ sở khoa học, và nó cũng rất cần thiết về mặt lý luận và thực tiễn. Từ năm 1948, báo cáo “Chủ nghĩa Mác và vấn đề văn hoá Việt Nam” đã nêu rõ: “Bên cạnh văn hoá chính thống của các thời đại, có cả một nền văn hoá nhân dân còn lưu lại ở phương ngôn, ngạn ngữ, ca dao, cổ tích, tranh gà lợn…Văn hoá này tả sự phấn đấu của người sản xuất (làm ruộng, làm thợ), lòng mong mỏi hay chí phản kháng của dân, chế giễu mê tín hủ tục hay khuyên răn điều thiện. Đó là một kho tàng rất quý mà các nhà văn hoá, sử học và khảo cổ nước ta còn phải dày công tìm bới mới hiểu hết được” (9; tr.128).         
b) Việc nghiên cứu ca dao từ góc độ văn hoá
Việc nghiên cứu ca dao nói riêng, văn học dân gian nói chung là một công việc không mới, đã có nhiều công trình nghiên cứu ca dao và các loại hình sáng tác dân gian (như thành ngữ, tục ngữ, truyện cổ tích…) từ nhiều góc độ, trong đó có góc nhìn từ văn hoá học.
 Ở phạm vi quốc tế, văn hoá là một trong những vấn đề lớn được xã hội nói chung, những người làm công tác nghiên cứu thuộc lĩnh vực Khoa học xã hội và nhân văn nói riêng, quan tâm tìm hiểu từ lâu. Đã có hàng trăm công trình với những quy mô khác nhau khảo cứu về văn hoá và vài trò của văn hoá, mối quan hệ giữa văn hoá với các lĩnh vực khác trong đời sống các dân tộc. Trong số đó, hướng tìm hiểu, tổng hợp các đặc trưng văn hoá của các vùng, các tộc người, các quốc gia rất được coi trọng. Chẳng hạn như E.B Tylor (1871) nghiên cứu về văn hoá nguyên thuỷ, V.Ia Prôp bàn về Folklore và thực tại, V.M Rôdin (1998) tìm hiểu các trường phái văn hoá học thế giới, R. Lado (1957) tìm hiểu ngôn ngữ học qua các nền văn hoá… Nhiều công trình đã làm rõ bản cắc văn hoá của các đối tượng nghiên cứu, góp phần bảo vệ và duy trì những nét đẹp của truyền thống, xây dựng xã hội ngày càng văn minh.
  Ở Việt Nam, trước đây cũng đã có một số công trình nghiên cứu về văn hoá (Bùi Dương Lịch, Đào Duy Anh, Nguyễn Khắc Viện…); trong thời gian gần đây, vấn đề văn hoá và bản sắc văn hoá dân tộc, văn hoá trong xu thế hội nhập với thế giới v.v…nổi lên như một trong những vấn đề thời sự, được bàn luận trên nhiều quy mô: chuyên luận, giáo trình, báo chí… Có thể kể tên một số công trình tiêu biểu: Văn hoá và ngôn ngữ Việt Nam thời tiền sử (Hà Văn Tấn, 1993), Việt Nam văn hoá sử cương(Đào Duy Anh, 2000), Cơ sở văn hoá Việt Nam (Trần Quốc Vượng - chủ biên, 2005), Văn hoá Việt Nam trong bối cảnh Đông Nam á (Phạm Đức Dương, 2000)…
Một số công trình tìm hiểu sâu về bản sắc văn hoá dân tộc, như: Tìm về bản sắc dân tộc của văn hoá (Hồ Sĩ Vịnh, 1993), Tìm về bản sắc văn hoá Việt Nam (Trần Ngọc Thêm, 2001), Bản sắc văn hoá Việt Nam(Phan Ngọc, 2006), Bàn về văn hoá ứng xử của người Việt Nam (Nguyễn Tất Thịnh, 2006), Văn hoá ứng xử truyền thống của người Việt (Lê Văn Quán, 2007), Người Việt, phẩm chất và thói hư tật xấu (Nhiều tác giả, 2008)… Các công trình nghiên cứu nhìn chung đã xem xét trên nhiều phương diện: Văn hoá dân tộc Việt thể hiện qua các công trình vật thể được lưu giữ từ trong quá khứ hay mới được xây dựng; thể hiện trong sinh hoạt hàng ngày, thể hiện qua các lễ hội, phong tục tập quán, ngôn ngữ… Trong nhà trường đại học, học phần văn hoá, ngôn ngữ và văn hoá luôn là những chương trình cơ bản cung cấp cho người học những vấn đề lí luận chung và những phương diện cụ thể, làm rõ bản sắc văn hoá, về vai trò và động lực của văn hoá trong đời sống xã hội, phân tích các đặc trưng và biểu hiện văn hoá của dân tộc…
Tuy đã có nhiều hướng, nhiều kết quả nghiên cứu về văn hoá, đã có những công trình đề cập đến các biểu hiện của văn hoá trên nhiều phương diện, nhưng việc làm rõ đặc trưng văn hoá dân tộc thể hiện qua ngôn ngữ, đặc biệt là trên dẫn liệu tục ngữ và ca dao thì đang còn là một vấn đề cần phải được phân tích và hệ thống hoá một cách đầy đủ và toàn diện hơn.
Khi bàn đến sự thể hiện của văn hoá, người ta nói đến những biểu hiện của văn hoá qua các phương tiện khác nhau, như: qua âm thanh, màu sắc, hình khối, đường nét, và nhiều phương tiện biểu hiện khác. Một trong những phương tiện quan trọng để tìm hiểu văn hoá, giải mã văn hoá là ngôn ngữ: ngôn ngữ trong giao tiếp hàng ngày, ngôn ngữ trong tác phẩm văn học, ngôn ngữ trong sáng tác dân gian… Các công trình khoa học cũng đã ít nhiều nói đến vấn đề này. Các hướng nghiên cứu gồm:
Nghiên cứu ca dao từ góc độ thi pháp học: Thi pháp ca dao (Nguyễn Xuân Kính, 2007); Tiếp cận ca dao bằng phương pháp xâu chuỗi (Triều Nguyên, 2003). Từ góc độ ngôn ngữ - văn hoá: Nghệ thuật chơi chữ trong ca dao người Việt (Triều Nguyên, 1999), Đặc trưng cấu trúc - ngữ nghĩa của thành ngữ, tục ngữ trong ca dao người Việt (Nguyễn Nhã Bản, 2005)… Nhiều công trình nghiên cứu văn hoá từ góc độ ngôn ngữ:Một số chứng tích về ngôn ngữ, văn tự và văn hoá (Nguyễn Tài Cẩn, 2005), Giao tiếp phi ngôn từ qua các nền văn hoá (Nguyễn Quang, 2008), Tìm hiểu đặc trưng văn hoá - dân tộc qua ngôn ngữ và tư duy ở người Việt (Nguyễn Đức Tồn, 2002)…
Có thể thấy đây là một hướng nghiên cứu cần thiết, bổ ích và đã có nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, những tìm hiểu, nghiên cứu đó - nói riêng ở đối tượng nghiên cứu là ca dao - thì, theo những tư liệu mà chúng tôi có được, mới chỉ là những ý kiến bàn luận, nói thêm nhân bàn đến những vấn đề khác của ca dao (như khi nói về nội dung của ca dao, thi pháp ca dao, cấu trúc của ca dao…) mà chưa có một chuyên luận bàn sâu và kỹ giành riêng cho việc tìm hiểu đặc trưng văn hoá dân tộc thể hiện trong ca dao người Việt như thế nào.
3. Những biểu hiện đặc trưng văn hoá dân tộc thể hiện qua ca dao
a) Ca dao - một tín hiệu văn hoá
Ngay từ tên gọi, ca dao đã là là một tín hiệu biểu thị văn hoá. Trong các sách báo khoảng những năm đầu thế kỷ XX, ca dao còn được gọi là phong dao (vì có những bài ca dao phản ánh phong tục), dần dần về sau (khoảng những năm 50) cho đến nay, người ta chỉ dùng từ ca dao. Truy xét trở lên, về mặt thuật ngữ, ca dao là một từ ghép (ghép ca dao) được hình thành từ dân ca. Vì ca dao là một thể thơ (mang đặc điểm của thơ, và là một thể thơ lục bát), nên có thể hát, ngâm, đọc và xem (xem bằng mắt vì ngày nay, ca dao được sưu tầm và ghi chép, in ấn thành sách). Như vậy, ngay từ tên gọi, ca dao đã là một chứng tích của văn hoá: đây là một thông điệp ngôn từ dân gian, phản ánh cuộc sống con người một cách tự nhiên nhất, hồn nhiên nhất. Qua các định nghĩa về ca dao, ta càng thấy rõ điều đó. “Ca dao là một loại thơ dân gian có thể ngâm được như các loại thơ khác và có thể xây dựng thành các điệu dân ca.”(Vũ Ngọc Phan, 3). “Ca dao là những sáng tác văn chương được phổ biến rộng rãi, được lưu truyền qua nhiều thế hệ, mang những đặc điểm nhất định và bền vững về mặt phong cách” (Nguyễn Xuân Kính,7; tr.79). “Ca dao là danh từ ghép chỉ chung toàn bộ những bài hát lưu hành phổ biến trong dân gian, có hoặc không có khúc điệu.” (Từ điển thuật ngữ văn học, 3).
b) Cấu trúc ca dao - một biểu hiện môtif văn hoá thuần Việt
Ngay trong hình thức truyền đạt, ca dao là lời ăn tiếng nói của người lao động, mang tính chất thuần Việt, đậm đà bản sắc dân tộc.
Ca dao là một thể thơ: điều dễ nhận thấy là ca dao mang những đặc điểm cơ bản của thơ ca. Đó là yếu tố vần, và yếu tố nhịp có mặt trong tất cả các bài ca dao (từ loại bài hai câu cho đến những bài dài). Loại vần và nhịp cơ bản của ca dao trùng với thể thơ lục bát truyền thống (vì có đến trên 90% bài ca dao ở thể lục bát); vần ca dao là hai loại vần cơ bản: vần chân - vần lưng, nhịp ca dao thường là nhịp chẵn.
Ca dao là một thể thơ nhưng thuộc thể thơ dân gian, vì ca dao là loại thơ sáng tác trong dân gian, của tập thể (vô danh), lưu truyền từ đời này sang đời khác bằng phương thức truyền miệng (thời nay đã được văn bản hoá). Ca dao có một số đặc điểm rất dân gian: một số môtif xác định, lặp đi lặp lại, rất đặc trưng của thơ dân gian. Chẳng hạn: Ca dao có thể có nhiều dị bản: Ai đem con sáo sang sông/ Để cho con sáo sổ lồng nó bay. Ai đem con sáo qua sông/ Để cho con sáo sổ lồng bay xa…Nhiều bài ca dao có cùng một mô hình cấu trúc. Ví dụ, mô hình Bao giờ Ax thì By: Bao giờ bánh đúc có xương/ Tơ hồng có rễ thì nường lấy ta. Bao giờ gạo gánh đến nhà/ Lợn kêu ý oét mới là vợ anh…Nhiều bài ca dao có cùng một số từ ngữ lặp giống nhau theo một vị trí nhất định. Ví dụ, có nhiều bài ca dao cùng mở đầu bằng: chiều chiều ra đứng, bao giờ cho đến, đôi ta như thể… Ngôn ngữ thơ ca mộc mạc, giản dị, trong sáng, thuần Việt; nó đúng là lời ăn tiếng nói của quần chúng lao động, nó đúng là nguyên liệu lấy từ đời sống, gần gũi với đời sống, ở trong đời sống. Thương anh bụng sát tận da/ Anh thì không biết tưởng là đói cơm… Ăn cơm cũng nghẹn/ Uống nước cũng nghẹn/ Nghe lời bạn hẹn/ Ra bãi đứng trông/ Bãi thời thấy bãi, người không thấy người (Ca dao Nghệ Tĩnh).
c) Nội dung ca dao: kết tinh văn hoá truyền thống dân tộc
Nội dung cơ bản nhất của ca dao là thể hiện tình cảm, miêu tả đất nước, con người, xã hội, phản ánh tập quán phong tục của con người Việt Nam với tất cả những đặc trưng văn hoá dân tộc tiêu biểu mà chúng ta đã có dịp đề cập ở phần trên. Điều kiện tự nhiên, môi trường xã hội, tâm lý, lịch sử dân tộc, qua lăng kính của người nghệ sĩ dân gian, đều được phản ánh đậm nét và sâu sắc trong ca dao người Việt. Những biểu hiện văn hóa dân tộc thể hiện trong ngôn ngữ ca dao là rất phong phú, đa dạng: các ứng xử văn hoá trong thân tộc (gia đình, họ hàng); các ứng xử văn hoá trong cộng đồng xã hội (làng, nước); quan hệ đối xử của con người với thế giới loài vật; quan hệ ứng biến của con người với thế giới tự nhiên…Trong khuôn khổ giới hạn của bài viết này, chúng tôi chỉ bước đầu làm rõ sự phản ánh của ca dao ở một vài đặc trưng văn hoá tiêu biểu.
Ca dao Việt Nam phản ánh nhiều mặt của con người trong mối quan hệ với tự nhiên, trước hết là sự thể hiện không gian sinh tồn của con người. Đối với người nông dân làm ruộng nước, cuộc sống định cư là điểm nổi trội; trong cuộc sống định cư thì cái nhà là trung tâm, nhà là gia bản. Mọi suy nghĩ, sinh hoạt của con người liên quan đến nhà. Truyện dân gian thì tô đậm nhà là tài sản, nơi trú ngụ…Tục ngữ thì nêu những nhận thức về nhà (Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà; Nhà gỗ xoan, quan ông nghè…). Còn trong ca dao - do đặc trưng của nó - nhà được thể hiện với nhiều khía cạnh khác nhau. Dù nhà không phải lúc nào cũng là “tiêu điểm” (nên nó thường ở câu ca dao đầu - làm tiền đề cho ý câu sau), nhưng qua đó ta cũng thấy được hình bóng ngôi nhà Việt: Nhà anh một gian hai hồi (Họ quen em cả, biết đứng ngồi vô mô); Nhà anh cửa đóng song cài (Em vô không được, ở ngoài lệ tuôn). Có khi nhà có bóng dáng của thời mới: Nhà em cột đá, tường đá, khoá sắt, chìa đồng(Anh phá làm sao cho được đến loan phòng với em).
Nhà Việt Nam không chỉ có không gian “trong nhà”- không gian tình nghĩa, mà còn có không gian rộng hơn: “ngoài nhà”; không gian này cũng gắn chặt với những sự vật cảnh vật thân thuộc của người dân làm nghề lúa nước. Đó là không gian cận nhà, một khung cảnh gắn chặt với nhà: đó là vườn hồng, vườn đào; vườn cà (Trèo lên cây bưởi hái hoa/ Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân…). Đây là không gian sống thuần hậu gắn liền với nước: ao, hồ (Hồ to ta thả cá chơi/ Hồ rộng nuôi vịt, vườn khơi nuôi gà/ Quanh năm khách khứa trong nhà/ Ao vườn sẵn đó, lọ là tìm đâu). Có thể dẫn ra nhiều câu như thế để chứng minh không gian sinh tồn nhà của con người Việt từ thuở xa xưa liên quan đến gốc nông nghiệp.
 Từ trong nhà đến ngoài nhà, không gian cứ mở rộng dần: không gian vườn tược. Đó là không gian của thực vật trong vườn: cây cau cây trầu, cây tre, cây chanh, cây vông, cây bồn bồn, cây bần…(Cây chanh lại nở hoa chanh, Cây cau nhặt mắt khó trèo, Cây cao bóng ngã qua rào)…Theo thống kê của chúng tôi, có 72 loài cây và hoa xuất hiện trong ca dao thì phần lớn cây và hoa đều mang đặc trưng của vùng khí hậu nhiệt đới nông nghiệp. Cây đa nằm trong số đó. Cây đa không đứng một mình mà thường ở bên cạnh các cảnh vật khác, tạo thành một không gian vừa thoáng rộng, vừa thấp thoáng thế giới tinh thần- tâm linh của người Việt từ thuở xa xưa: Cây đa bến đò, cây đa trước miễu, cây đa sân đình, cây đa giếng nước. Như thế, cây đa đã chuyển dần sang chỉ một không gian ít nhiều mang nghĩa biểu trưng (nghĩa tình): Cây đa bến cũ năm xưa/ Chữ tình ta cũng đón đưa cho trọn đời; Cây đa rụng lá đầy đình/ Bao nhiêu lá rụng thương mình bấy nhiêu.
Không gian xã hội cứ mở rộng dần: sông bãi (Nghe lời bạn hẹn/ Ra bãi đứng trông/ Bãi thời thấy bãi, người không thấy người - Ca dao Nghệ Tĩnh). Ruộng đồng cũng là không gian xuất hiện khá nhiều trong mảng ca dao nói về lao động sản xuất. Đồng ruộng vốn là không gian tự nhiên, nhưng trong nhận thức của nhân dân, nó đã trở thành không gian xã hội, với tất cả sự gắn bó thân thuộc của con người. Đó là không gian thoáng đãng “thẳng cánh cò bay”, “mênh mông bát ngát”, gắn bó với làng (Làng ta phong cảnh hữu tình/ Dân cư đông đúc như hình con long). Đồng ruộng là nơi thể hiện rõ nhất đặc trưng gốc văn hoá trồng lúa nước (có nơi canh tác: đồng cạn, đồng sâu; chủ thể: chồng, vợ; công việc: cày, cấy, bừa…): Trên đồng cạn, dưới đồng sâu/ Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa; hoặc có cả nghề chài lưới: Cha chài mẹ lưới, con câu/ Chàng rể đóng đáy, con trâu đi bừa. Người dân lao động gắn bó với công việc, yêu thiên nhiên, cảnh vật và thế giới xung quanh.Làm ruộng thì phải phụ thuộc thời tiết, thiên nhiên.Thế giới tự nhiên, theo quan niệm dân gian- nhất là với người dân làm ruộng - là một không gian cao siêu, huyền bí, có mọi quyền uy, chi phối cuộc sống con người . Rất nhiều bài ca dao thể hiện lòng tôn trọng thế giới tự nhiên, biết ơn thế giới ấy: Ơn trời mưa nắng phải thì; Lạy trời mưa xuống… Thiên nhiên khắc nghiệt, để có được thành quả lao động phải qua bao vất vả: Ai ơi bưng bát cơm đầy/ Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần…
Trên đây chỉ đề cập đến một số từ ngữ không gian quen thuộc có liên quan đến đặc trưng nghề nghiệp thể hiện trong ca dao. Điều đáng lưu ý là từ trong những sáng tác ấy, ta thấy chúng đã hình thành một hệ giá trịgắn liền với đặc trưng nông nghiệp. Đó là giá trị: tình cảm con người là đáng quý nhất (Đôi ta như con một nhà. Tranh quyền cướp nước gì đây/ Coi nhau như bát nước đầy thì hơn), là giá trị: lao động làm ra mọi cái (Bởi anh chăm việc canh nông/ cho nên mới có bồ trong bịch ngoài), là giá trị: cái gì gốc thì phải giữ (Công danh đeo đuổi mà chi/ sao bằng chăm chỉ giữ nghề canh nông), là giá trị: sự tương cận và yêu thương làm nên “phúc”: Có phúc gả được chồng gần/ có bát canh cần nó cũng đưa cho), là giá trị: giản dị là gốc của cái đẹp, của hạnh phúc (Cơm trắng ăn với chả chim/ Chồng đẹp vợ đẹp, những nhìn mà no; Râu tôm nấu với ruột bầu/ Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon).Và nhiều giá trị nhân sinh khác gắn liền với chất liệu dân giã thể hiện trong tình yêu nhà, yêu làng xóm, tình yêu nam nữ (Chiều chiều én liệng cò bay/ Bạn thì nhớ bạn, bạn rày nhớ ai/ Bạn rày bạn nhớ củ khoai/ Nhớ cam nhớ quýt nhớ người tri âm)…
Cần phải thấy rằng, những quan niệm, tâm lý, tình cảm của con người Việt Nam mà chúng tôi sơ bộ dẫn ra trên đây là “nguyên gốc, bản địa” (hay còn gọi là yếu tố nội sinh, endogenous), chúng không vay mượn hay ảnh hưởng từ bên ngoài (ngoại sinh, exogenous), mà đều xuất phát, nảy sinh từ môi trường không gian sinh tồn và nghề nghiệp của người dân Việt trồng lúa nước từ thuở xa xưa. Đặc sắc hơn, những giá trị văn hoá này vốn từ trong phạm vi hẹp (cá nhân, gia đình), lại trở thành một hệ giá trị trong phạm vi rộng lớn (xã hội) và trường tồn. Sau này, như một lẽ tự nhiên, trong quá trình tiếp xúc với văn hoá khu vực và thế giới, văn hoá dân tộc đã có sự tiếp thu và ảnh hưởng, tạo nên sự giao thoa hay tiếp biến văn hoá (acculturation). Nhưng cái đặc trưng nguyên gốc này nó mạnh đến nỗi nó làm cho văn hoá dân tộc, qua bao nhiêu biến cố, “như một toà nhà chỉ bị thay đổi “mặt tiền” (facade) mà không thay đổi cấu trúc bên trong” (B. Giron). Ca dao đã thể hiện vai trò của nó, ở cái thời truyền miệng, nhưng trong thời đại ngày nay, ca dao vẫn tiếp tục được sáng tác, và hình thức truyền miệng vẫn tồn tại, cho dù đã có các hình thức khác. Ca dao vẫn đi cùng năm tháng, bởi cái giá trị nhân sinh của nó (ca dao là tâm nguyện của con người về lẽ sống), bởi cái giá trị văn hoá của nó (ca dao thể hiện bản sắc truyền thống của dân tộc, làm nền tảng cho sự phát triển, tiếp biến văn hoá hiện đại).
                                                            *
Trên đây là mấy suy nghĩ của chúng tôi về việc xác định đặc trưng văn hoá, cội nguồn văn hoá dân tộc, qua đó bài viết bước đầu nêu một số biểu hiện đặc trưng văn hoá trên dẫn liệu ca dao người Việt. Trước một đối tượng rộng lớn mang tầm “vũ trụ” như văn hoá, những điều trình bày chỉ là những nhận thức sơ giản, định hướng vào việc nghiên cứu văn hoá, nhằm góp phần vào việc thực hiện đề tài tìm hiểu ca dao Việt Nam từ góc độ văn hoá.

                                                                                       Vinh, tháng 10/2008.

Nguồn: www.vienvhnn.net     
Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Huy Cẩn (chủ biên), Tiếng Việt hiện nay và những vấn đề ngôn ngữ học liên ngành, Nxb Khoa học Xã hội, 2005.
2. Nguyễn Tài Cẩn, Một số chứng tích về ngôn ngữ, văn tự và văn hoá, NXb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2003.
3. Nguyễn Cừ (và các tác giả khác biên soạn), Tuyển tập tục ngữ- ca dao Việt Nam, Nxb Văn học, 2001.
4. Nguyễn Đổng Chi- Ninh Viết Giao, Ca dao Nghệ Tĩnh, Sở VHTT Nghệ Tĩnh, 1984.
5. Nguyễn Nhã Bản, Đặc trưng cấu trúc - ngữ nghĩa của thành ngữ, tục ngữ trong ca dao người Việt, Nxb Văn hoá thông tin, 2005.
6. Phạm Đức Dương, Văn hoá Việt Nam trong bối cảnh Đông Nam á, Nxb Khoa học Xã hội, 2000.
7. Nguyễn Tấn Đắc, Văn hoá Đông Nam á, Nxb Đại học Quốc gia Tp HCM, 2005.
8. Nguyễn Xuân Kính, Thi pháp ca dao, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2007.
9. Vũ Ngọc Khánh, Văn hoá dân gian, Nxb Nghệ An, 2003.
10. Phan Ngọc, Thử xét văn hoá-văn học bằng ngôn ngữ học, Nxb Thanh niên, 2000.  
11. Trần Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc văn hoá Việt Nam, Nxb Tp HCM, 2001.
12. Nguyễn Đức Tồn, Tìm hiểu đặc trưng văn hoá - dân tộc qua ngôn ngữ và tư duy ở người Việt, Nxb đại học Quốc gia Hà Nội, 2002.
13. E.B Tylor, Văn hoá nguyên thuỷ, TC Văn hoá nghệ thuật, 2001.
14. Trần Quốc Vượng (chủ biên), Cơ sở văn hoá Việt Nam, Nxb Giáo dục, 2005.

No comments: